Sống ở nước ngoài, lại thuộc thành phần trí thức nửa mùa, nên đôi khi tôi cũng được rủ đi đón đoàn, làm cảnh cho người ta.
Tôi cũng hiểu những cuộc gặp gỡ như vầy chỉ tổ phí thời gian, làm màu là chính. Nhưng thật lòng tôi cũng tò mò. Đi cho biết thế nào, còn có chuyện để kể. Vả lại đời sống nhạt quá, có chút sắc màu cũng vui.
Tôi ở quê, đi đón đoàn phải chạy lên thành phố. Đoàn thường ở một khách sạn sang trọng. Lần nào đến tôi cũng thấy một vài người, tụm ba tụm bảy ở sảnh. Nhìn là nhớ nhà.
Tôi tưởng ai đi theo đoàn cũng là người của đoàn, hóa ra không phải. Nhiều người bám đoàn, chỉ để chụp hình, gửi vào group chat, để lại một câu vu vơ, “Anh đang ngồi với ông To Lắm đây". Mần ăn nhiều lúc không cần nói thẳng, người ta sẽ tự biết điền dấu vào.
Một lần tôi đứng cạnh mấy anh cán bộ an ninh, nghe một anh già nói với một anh trẻ, “Đừng cho cô nào mặc áo dài tím vào nhé”. Anh trẻ khựng lại, hỏi “Thế lỡ cổ thay áo thì sao?”. Là chuyên gia an ninh mạng tự phong, tôi cũng không có câu trả lời.
Hóa ra cô áo dài tím là nhân vật quen thuộc trong nhóm những vị khách không mời mà vẫn bay theo. Lần đầu gặp, tôi đã thấy có gì đó là lạ, không hiểu việc cho mướn nhà của cô ấy thì liên quan gì đến chương trình thăm và làm việc.
Mãi sau này tôi mới biết đây là một pha phối hợp có tính toán. Cô ấy là Việt kiều, đi cùng đoàn với doanh nghiệp trong nước, nhìn giống như hai bên đang bàn thảo ký kết làm ăn, nào ai biết chỉ để chụp hình.
Người ta chụp đủ kiểu. Đoàn chưa tới thì ta chụp chung với sân khấu trống, bắt lại khoảnh khắc đứng gần tên của người nổi tiếng. Đoàn tới rồi thì ta chen lên, nhưng phải nhớ nhờ ai đó chụp lại khoảnh khắc tay bắt mặt mừng như thể đã quen nhau từ lâu qua TV.
Đoàn đang phát biểu thì ta chụp selfie từ xa, miễn sao thấy bóng thấy dáng người ấy là được. Chụp toàn đoàn thì ta ráng chen vào giữa, đứng càng gần “mấy ổng” càng tốt.
Khi điều kiện chín mùi, ta sẽ sắp xếp ký kết MOU, ghi nhớ hôm nay hai bên chúng ta đã chụp hình ở đây, với những ông này bà này làm chứng cho mối lương duyên chưa biết thế nào nhưng ký nhanh đi còn xuống, hàng dài lắm.
Còn giả như được mời lên phát biểu, nhân danh kiều bào yêu nước, doanh nhân thành công, ta phải quay phim, dõng dạc tuyên bố “Chúng em xin hứa”. Mỗi lần nghe chúng em xin hứa, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường (xin lỗi cụ Thanh Tịnh).
Thật ra tôi cũng chụp. Không biết để làm gì, có bán được cho ai đâu, nhưng thấy người ta chụp, mình không chụp, sợ mất phần. Tôi cũng là người Việt mà.
Một hôm tôi vô tình đọc lại một cuốn sách về các nhà báo chiến trường Bắc Việt trong chiến tranh Việt Nam. Có một chi tiết xúc động: một nhà báo ảnh, đi suốt cuộc chiến, vào sinh ra tử, chỉ chụp 70 bức ảnh. Hỏi tại sao, ổng thành thật nói chỉ có một cuộn phim, mà cũng không biết thay phim.
Nếu cuộc đời chỉ cho một cuộn phim, liệu tôi có chụp mấy tấm hình này không nhỉ? Phim đã chụp thì không thể Ctrl-Z. Tôi đã chụp 40 bức rồi, nhưng sao vẫn không chắc sẽ chụp gì tiếp theo, ngay hàng thẳng lối hay là ngay thẳng.
Về VN đi nhậu cứ thấy anh em hay luyên thuyên quen ông A, ông B, etc, . Làm như quen những người đó tự nhiên mình sang lên í .Trong khi những người đó cũng có sang đâu :))
Có những suy nghĩ cố hữu khi va chạm với tư duy mới sẽ phát sinh ra mâu thuẫn, thậm chí gây trở ngại. Người có tư duy mới mong muốn phát triển đất nước bằng chính nội lực như anh Thái không nhiều. Với nỗ lực của anh các thế hệ sẽ dần dần chuyển hóa mình tốt hơn, đóng góp cho đất nước một diện mạo tích cực, một tấm hình đẹp trên thế giới.