Kiểm duyệt
Thật thú vị khi một người luôn nhắc đến văn minh, văn hóa như ông Trần Ngọc Thịnh lại chọn giải pháp kém văn minh và thiếu văn hóa nhất: kiểm duyệt.
Điều này cho thấy khó có thể gột rửa những góc tối tâm nhất, những định kiến nặng nề nhất trong tư duy của một con người, nhất là những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức. Một nền giáo dục hiện đại và hướng đến tự do như Mỹ vẫn phải bó tay, có lẽ vì đã quá muộn.
Kêu gọi thu hồi sách của Huyền cũng tương tự như là ủng hộ việc chính quyền chặn Facebook hay những trang web khác. Tại sao chính quyền muốn chặn Facebook? Vì trên đó có những thông tin "xấu", bọn con nít ranh không nên đọc. Vì sao thu hồi sách của Huyền? Vì trong đó có những thông tin "xấu", bọn con nít ranh không nên đọc. Y chang.
Ai là con nít ranh? Ai?
Tất cả người Việt Nam chứ ai. Già trẻ lớn bé, đều là con nít ranh, không đủ khả năng suy nghĩ nên phải nhờ ông Thịnh lựa sách cho đọc. Thử tưởng tượng giáo sư Ngô Bảo Châu quyết định mua sách của Huyền. Ông ấy sẽ không mua được, vì ông Thịnh sợ sách đó sẽ làm "hư" giáo sư Châu.
Nhưng giáo sư Châu từng nói ông ấy là một con người tự do, chứ không phải một con cừu! Không, tự do hay cừu thì vẫn không được đọc sách này. Hư người hết.
--
Trong nhiều năm sử dụng Internet ở nhà tôi cũng đã phải nhiều lần "trèo tường vượt rào" mới truy cập được vào một vài trang web mà tôi muốn xem. Dẫu vậy tôi chưa từng nghĩ rằng việc này là quan trọng. Thôi họ chặn thì ta tìm đường khác vậy, có sao đâu.
Có lẽ suy nghĩ này không chỉ của riêng tôi. Có giai đoạn Facebook bị chặn (không biết bay giờ còn không?) nhiều người bạn của tôi, những người chẳng biết gì về máy tính, lại tự dưng rành rẽ chỉnh sửa cấu hình DNS, có người còn bỏ tiền ra mua dịch vụ VPN.
Hầu như ai cũng than phiền về sự bất tiện này. Dẫu vậy ai cũng xem chuyện bị chặn như vậy là một phần của cuộc sống ở Việt Nam. Như chuyện kẹt xe hay là đường ngập nước mỗi khi mưa lớn. Bất tiện thật, nhưng chẳng có gì nghiêm trọng cả.
Nhưng lần về nhà vừa rồi thì tôi lại thấy rất bực. Lần đầu tiên tôi cảm thấy bị mất tự do một cách rất rõ ràng. Tôi cũng ngạc nhiên với phản ứng của tôi. Có lẽ đó là "hậu quả" của một thời gian sống ở Mỹ? Tôi không chắc. Dẫu vậy thực sự là trong suốt thời gian ở Mỹ tôi chưa từng bị cấm truy cập vào bất kỳ trang web nào cả. Và nếu như chính phủ Mỹ chặn truy cập bất kỳ trang nào, chuyện chưa từng xảy ra, thì đó sẽ là một chuyện cực kỳ hệ trọng, mà tôi tin là sẽ dẫn đến biểu tình ở khắp nơi.
--
Vừa rồi người ta kiểm duyệt và không cho chiếu phim Bụi Đời Chợ Lớn, vì nó không phù hợp với "hiện thực xã hội ở Việt Nam", mặc dù đã luôn có một anh công an văn hóa túc trực "giúp đỡ" đoàn làm phim rồi.
Có ý kiến cho rằng ở các nước người ta cũng kiểm duyệt phim đó thôi. Ý kiến này sai vì nó chỉ nói một nửa sự thật. Người ta có kiểm duyệt, nhưng là để bảo vệ trẻ con. Nếu chúng ta, những người đã trưởng thành, chấp nhận chuyện kiểm duyệt thì có lẽ nào chúng ta tự nhận mình là trẻ con, phải nghe lời những "người lớn" ở cơ quan kiểm duyệt?
Ở chiều ngược lại, những người thực hiện kiểm duyệt, kể cả ở vai trò trực tiếp, lẫn những người đề ra luật pháp, lẽ nào họ xem tất cả người dân là trẻ con? Nếu quả là như thế thì có lẽ nên đóng cửa hết các trường học đi cho rồi. Giáo dục chi nữa khi mà người ta không tin rằng những người trưởng thành ở đất nước này biết suy nghĩ.
--
Đỉnh cao của kiểm duyệt là tự kiểm duyệt.
Sau khi chính quyền kiểm duyệt Bụi Đời Chợ Lớn, đến lượt chính người dân và báo chí kiểm duyệt phim này. Họ chất vấn tại sao lại chọn Chinatown làm tựa phim tiếng Anh. Rồi đến lượt chính đạo diễn tự kiểm duyệt (có lẽ cũng phải thông cảm cho họ, vì lý do kinh tế), khi vội vã đính chính rằng họ chưa bao giờ đặt tên phim là Chinatown.
Khi người dân ra sức ngăn cản tự do của nhau và từ chối sự tự do của chính mình thì sự nghiệp kiểm duyệt và chính sách ngu dân đã thành công ngoài mong đợi, mà ông Thịnh-kiểm-duyệt là một chứng nhân sống.
Với cái đà này thì hay lắm chúng ta sẽ thành Trung Quốc.