Cách đây mấy tuần tôi dự một tọa đàm về khoa học công nghệ ở HVCTQG. Không biết ban tổ chức xoay sở thế nào mà có hai thành viên Bộ Chính trị tham dự. Một người về sớm, một người chủ trì từ đầu đến cuối.
Tọa đàm về AI, nhưng ban tổ chức muốn tôi nói về an ninh mạng. Chắc ban tổ chức đã đoán trước, vì một trong những câu hỏi là các mô hình nguồn mở như DeepSeek có an toàn không (xem ý kiến của tôi bên dưới).
Tôi thấy thú vị khi các vị lãnh đạo chóp bu của Việt Nam quan tâm AI, thường xuyên sử dụng và cập nhật những phát triển AI mới nhất. Họ nói Nghị quyết 57 đã chủ trương lấy khoa học công nghệ làm nền tảng phát triển đất nước, nhưng làm gì và làm thế nào thì cần ý kiến chuyên gia. Tôi thấy họ cũng khiêm tốn. Đương nhiên muốn có ý kiến mới cần chấp nhận các ý kiến trái chiều, thậm chí, khó nghe.
Tôi cũng khoái chí khi nghe được câu: "Nvidia đến Việt Nam cũng chỉ muốn bán hàng mà thôi". Ơ, hay là họ đọc blog này à? Hello các đồng chí!
Nhân nói về Nvidia, một người bạn cho hay Nvidia đã xây dựng trung tâm AI engineering ở Việt Nam. Đây là tin vui, giúp có thêm đầu ra, tạo thêm cơ hội đi cùng thế giới cho kỹ sư Việt, cũng là một mục tiêu của Calif.
Hội thảo có nhiều phát biểu đa dạng. Tôi nói về tình hình an ninh mạng Việt Nam, AI cho an ninh mạng và an ninh mạng cho AI. Nói cho rõ, mặc dù tôi sinh ra đã có sẵn AI trong tên, tôi không phải chuyên gia AI. Những gì ít ỏi tôi biết xuất phát từ việc cung cấp dịch vụ an ninh mạng cho một số công ty AI.
(5' cho nhà tài trợ: Khách hàng AI của Calif gồm Anthropic, Google Deepmind và nhiều AI startup tỉ đô. Hãy gia nhập Calif để phục vụ AI, gia tăng cơ hội sống sót nếu lỡ NGÀI có trỗi dậy).
Tôi trích dưới đây hai câu hỏi quan trọng được đặt ra ở hội thảo.
1. Sử dụng AI nguồn mở như DeepSeek có an toàn không?
Tôi xin nói ngắn gọn là nguồn mở an toàn không kém nguồn đóng.
Internet ngày nay được xây dựng dựa trên phần mềm nguồn mở. Từ thiết bị điện thoại, đến các hệ thống điện toán đám mây lớn nhất thế giới đều được xây dựng trên nền tảng phần mềm nguồn mở. Hệ điều hành Android là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới và là một hệ điều hành nguồn mở. Kể cả iPhone của Apple cũng được xây dựng trên nền tảng nguồn mở. Thực tế phần lớn hạ tầng công nghệ Việt Nam cũng được xây dựng bằng phần mềm nguồn mở.
Trong trường hợp AI, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model), có một điểm cần chú ý: Mã nguồn mở khác với mô hình mở.
Meta và DeepSeek chỉ mới cung cấp mô hình, chưa cung cấp mã nguồn tạo ra mô hình đó. Sắp tới có thể DeepSeek sẽ công bố mã nguồn. (Cập nhật: DeepSeek đã cung cấp một số mã nguồn.)
Nếu hỏi rằng Việt Nam có nên sử dụng nguồn mở không, Tôi nghĩ Việt Nam không có lựa chọn nào khác. Sử dụng nguồn mở, giải pháp mở là con đường duy nhất để chúng ta tận dụng đầu tư của thế giới.
2. Giữa bán dẫn và AI, Việt Nam nên đầu tư thế nào?
Việt Nam đang nhập nhằng giữa hai lĩnh vực rất khác nhau này, có lẽ vì thành công của Nvidia. Nvidia làm chip bán dẫn, và một trong những sản phẩm của họ là chip bán dẫn dùng trong AI. Tuy nhiên, Việt Nam không có cơ hội làm chip bán dẫn AI. Nếu có làm chip, chúng ta cũng chỉ có khả năng làm chip thứ cấp, đơn giản.
Tôi rất hoài nghi khả năng làm giàu của Việt Nam từ bán dẫn. Trước nhất, ai sẽ dạy cho chúng ta làm bán dẫn? Đài Loan sẽ không dạy, vì đây là bí mật vệ quốc sinh tồn của họ. Mỹ cũng sẽ không dạy. Chính sách của Mỹ đã nói rất rõ họ chỉ muốn Việt Nam làm Assembly, Testing và Packaging, những công đoạn rẻ tiền.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam giỏi thiết kế chip. Tuy nhiên, chữ thiết kế có một phạm vi ngữ nghĩa rất rộng. Rõ ràng thiết kế tòa nhà chúng ta đang hội họp ở đây sẽ rất khác so với thiết kế một ngôi nhà cấp bốn, nhưng cũng rất khác so với thiết kế tòa nhà Landmark.
Ngày nay chúng ta nói nhiều về chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm giàu chúng ta phải leo lên trong chuỗi giá trị, nhưng làm chip thứ cấp là leo xuống trong chuỗi giá trị công nghệ. Chúng ta vẫn sẽ kiếm được tiền, chắc chắn là nhiều hơn so với dệt may, nhưng tôi hoài nghi khả năng kiếm được rất nhiều tiền.
Tôi nghĩ Việt Nam nên tập trung vào AI, làm phần mềm. Khi đến Việt Nam, Jensen Huang cũng chỉ nói Việt Nam nên làm AI. Anh Lê Viết Quốc gần đây cũng có ý kiến về vấn đề này.
Việt Nam đã làm phần mềm 40 năm, mới bắt đầu có những công ty, những sản phẩm và những chuyên gia phần mềm đẳng cấp thế giới. Nếu Việt Nam lại tập trung vào một lĩnh vực mới, mà lơ đãng ngành công nghiệp phần mềm, nơi chúng ta đã bắt đầu có lợi thế cạnh tranh, tôi e mãi vẫn không thể có thương hiệu công nghệ Việt toàn cầu.
Một ví dụ ví von thế này. Chúng ta đi làm nhà hàng, mới vào phải rửa chén. Rửa chén bao lâu rồi chúng ta mới lên được chân phụ bếp, bắt đầu nấu được vài món đơn giản. Thay vì tập trung đầu tư để thành bếp trưởng, chúng ta lại bỏ hết, quay lại rửa chén tiếp. Dẫu có rửa chén giỏi cỡ nào, lên tới chức rửa chén trưởng, chúng ta vẫn không thể kiếm được nhiều tiền.
Muốn thành công vượt bậc phải tập trung, với nguồn lực hiện tại, tôi nghĩ Việt Nam cần phải lựa chọn giữa AI và bán dẫn. Chỉ làm một thứ thôi, làm thật tốt. Đương nhiên cái gì ra tiền doanh nghiệp sẽ làm, nhưng chính sách công nghiệp của cả quốc gia cần nhiều cân nhắc.
Trong lúc đó, TH-AI vẫn chưa biết làm sao trượt tuyết mà không chu mỏ.
Để nước mình phát triển thực ra ko khó. Em chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ. Em đi đăng ký vé tháng xe buýt cho mẹ em trên 60 tuổi là người cao tuổi được miễn phí vé xe bus. Khi em đến một điểm bán vé tháng xe bus trên đường Trần đại nghĩa để hỏi thủ tục thì nv đang ngủ gục trên bàn, có 1 cậu sv vào mua vé gọi mãi mới dậy. Em hỏi thủ tục mua vé tháng có làm online được ko. Chị ta trả lời rất nhanh lên số 1 kim mã. Em hỏi cậu sv kia làm online được ko, cũng ko biết nốt. Em đi lên kim mã thì trên đấy trả lời luôn có thể làm online được, có thêm số hot line dán cửa kính để gọi (nhưng gọi được số này cực kỳ khó liên lạc). Ngoài cửa có sẵn cái standee hướng dẫn tải app và cài đặt. Chỉ vài thao tác đơn giản là em đã đăng ký xong. Nhưng mất một buổi chiều để đăng ký, tốn thời gian, tốn xăng, vé gửi xe. Lúc đó chỉ mong chị nv ở Trần đại nghĩa chị ta có trách nhiệm hơn chút là đọc được cái tên app đặt vé xe buýt tháng, hoặc chỉ cần có cái standee hướng dẫn đặt trước quầy là đỡ bao việc rồi. Như vậy về công nghệ em thấy rất thuận tiện. Chỉ có về cách quản lý nhân viên, nếu lựa chọn được những người có trách nhiệm tại những vị trí gặp mặt trực tiếp khách hàng và công dân thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian công sức và tiền bạc. Mà em thì ko biết gửi góp ý bằng cách nào. Nên bình luận lên đây mong các nhà quản lý đọc được.
KKK, tình cờ hôm nay đọc được bài viết của Thái ở đây và của cô Hạnh ở trên Facebook luôn https://www.facebook.com/tho.nguyentan.9210/posts/pfbid022DRGGENECtKGCwu2EXHXPfnEuKmrYf1Vv2wEthXVZzQ9MiDNWMW8uQ2MaqE8CzdKl
Xong rồi đọc thêm bài viết về em Lê Viết Quốc: https://cuoituan.tuoitre.vn/tien-si-le-viet-quoc-day-cho-ai-tu-duy-va-co-trai-tim-2024112709213886.htm
Về em Triều: https://vnexpress.net/tien-si-viet-cong-bo-ai-lam-toan-ngang-huy-chuong-vang-olympic-4702072.html
thấy tự hào về trí tuệ VN mình quá chừng quá đỗi