Ở Mỹ du côn cũng khôn hơn
Một lần H. đến đón tôi ở Tân Sơn Nhất. Nó nhắn sẽ nhờ người quen làm thủ tục hải quan cho nhanh. Tôi đang xếp hàng, phía trước còn mấy chục người, người quen của H. xuất hiện chỉ vài giây là qua cổng luôn.
Tôi biết là sẽ nhanh, nhưng không ngờ nhanh như vậy. Bi kịch muôn đời của loài người. Lúc đi từ cuối hàng lên, bao ánh mắt nhìn chằm chằm, tôi chỉ muốn độn thổ, nhưng nền xi măng khá cứng, tôi nghĩ vật lý hiện đại sẽ không cho phép, nên lại thôi.
Một lần khác tôi chờ quét hành lý ở Nội Bài thì có hai vị trông rất ra dáng thượng lưu được một anh nhân viên sân bay dẫn lên chen ngang, cơ bản là đi tắt đón đầu, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến tôi và những người khác.
Vì đã trả tiền để được ưu tiên, tôi nhìn anh nhân viên quét hành lý rồi buộc miệng, "Chắc thời gian của mấy người này quan trọng hơn của tôi". Anh ấy rối rít xin lỗi, còn hai vị kia vẫn tỉnh bơ. Dường như trong mắt những người này, chỉ có ruồi muỗi mới phải xếp hàng, mà sang chảnh như họ thì làm gì có thời gian quan tâm ruồi muỗi nghĩ gì.
10 năm ăn bờ thừa sữa cặn chích vaccine Mỹ tôi chưa bao giờ được ưu tiên kiểu này và cũng chưa từng thấy ai được như vậy. Ở đây muốn làm gì đều phải xếp hàng, theo đúng thủ tục, có muốn nhờ người quen cũng không biết hỏi ai. Muốn được ưu tiên thì phải trả thêm tiền. Không muốn chờ lâu ở sân bay? Mời mua vé thương gia, đắt gấp 3-4 lần.
Nói vậy không có nghĩa ở Mỹ có quan hệ rộng không đem lại ích lợi gì. Nếu không thì người giàu đã không cố gắng cho con cái vào Harvard hay Stanford. Ở đâu cũng vậy, có quen biết thì công việc, cuộc sống sẽ thuận lợi hơn nhiều. Người ta giàu vì bạn mà. Chỉ có điều du côn Mỹ khôn hơn, có ăn trên đầu thiên hạ thì cũng kín đáo, không nghênh nghênh tự đắc khoe ông ngoại.
Bọn phản động cứ mở miệng ra là chê giáo dục Việt Nam, nhưng tôi là một người hâm mộ trung thành. Ít nhất nền giáo dục này đã giúp làm ngu hóa những kẻ không nên quá khôn. Đây là một thành quả vĩ đại mà không phải nước nào cũng dám làm.