"Không quản lý được an ninh"
Trích từ đây:
[...]ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG cũng cho rằng, các dịch vụ trong nước của VNG như Zing Mail, Zing Me... tuân theo rất nhiều chế tài của cơ quan quản lý trong khi các dịch vụ tương tự của nước ngoài như Yahoo Mail, Gmail, Facebook... thì không gặp phải bất cứ chế tài quản lý nào cả. Từ đó dẫn đến việc người dùng sẽ thích và sử dụng các dịch vụ nước ngoài vì không bị quản lý. VNG hi vọng thời gian tới sẽ có quy định để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng “chơi” theo một luật để giúp CNTT Việt Nam phát triển. “Nếu cơ quan quản lý tiếp tục quản lý doanh nghiệp nội và ngoại như trên môi trường web thì VNG lo ngại chúng ta sẽ lại thua tiếp một lần nữa trên thị trường di động (mobile), giống như với thị trường mạng xã hội, máy tìm kiếm, email... dẫn đến thất thu về thuế và không quản lý được về an ninh”, ông Khải nhấn mạnh.
Quản lý an ninh là làm gì? Khoản 4, Điều 55 của Dự thảo nghị định quản lý Internet có quy định trách nhiệm của những công ty VNG như thế này (tôi in đậm những chỗ bên dưới, văn bản góc không có):
Điều 55. Trách nhiệm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và nội dung thông tin trên mạng.
a. Triển khai các giải pháp, trang thiết bị kỹ thuật theo quy định của Bộ Công an để lưu trữ thông tin đưa vào, truyền đi trên mạng; ngăn chặn việc truy cập, truyền đưa thông tin có nội dung vi phạm Điều 5 của Nghị định này.
b. Xây dựng, ban hành quy định vận hành, khai thác, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, Tổ chức việc đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng theo quy định của Bộ Công an. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đối với các đại lý Internet, người sử dụng dịch vụ, cán bộ, nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp.
c. Cung cấp thông tin, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng Internet, nội dung thông tin trên mạng vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
d. Ngừng ngay việc cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đối với các chủ thể lợi dụng các dịch vụ này để hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
e. Bố trí mặt bằng, điểm truy nhập mạng, các cổng kết nối, giao diện kết nối tại các điểm kết nối Internet quan trọng và những điều kiện kỹ thuật cần thiết cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong hoạt động Internet.
g. Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng trước khi chính thức cung cấp dịch vụ. Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất, định kỳ, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của Bộ Công an.
h. Chịu trách nhiệm hướng dẫn đại lý Internet, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến công cộng của doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng của Bộ Công an trong hoạt động Internet và nội dung thông tin trên mạng.
i. Chịu sự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy VNG có đáng tin để chúng ta trao gửi thông tin cá nhân không? Câu trả lời của cá nhân tôi là không. Thật ra không chỉ riêng VNG mà tất cả các công ty Việt Nam đều phải thực hiện các điểm đã dẫn ở trên. Dẫu vậy tôi thất vọng khi VNG dùng lá bài "quản lý an ninh" để vận động chính quyền đưa ra chính sách có lợi cho họ.
Từ chỗ bị ép buộc, VNG bây giờ đã sỗ sàng gợi ý. Đây là một bước đi rất dài, chỉ tiếc là đi thụt lùi. Bao giờ thì ra được thế giới?