(Bài viết đã lâu, hôm nay gặp chuyện mới nhớ)
Tôi có một cái chuông trong đầu, thường nó sẽ tự động rè rè cảnh báo mỗi khi tiếp nhận thông tin ‘có vẻ sai sai’.
Tôi “cài” cái chuông này gần hai mươi năm trước, học theo những người bạn quen qua Internet. Không phải lúc nào nó cũng chạy trơn tru, có khi cần cảnh báo nó lại im ru, lúc không cần nó “reng” inh ỏi.
Tôi từng tin nhiều chuyện phi lý chỉ vì người nói có vẻ đáng tin, cũng như sa đà vào những tranh cãi vô thưởng vô phạt chỉ vì thấy người khác nói không đúng ý mình. May mắn cái chuông của tôi có khả năng tự sửa lỗi. Nếu phát hiện sai, nó sẽ ghi nhớ để không lặp lại.
Sau này, đến Mỹ làm việc, tôi mới biết người Mỹ gọi cái chuông của tôi là bullshit detector (máy phát hiện nhảm nhí). Trong câu chuyện hàng ngày ở đây, tôi hay nghe bạn bè, đồng nghiệp nói kiểu như, “nghe tay đó nói chuyện mà bullshit detector của tao nhảy loạn xạ”.
Câu nói của người Mỹ “Hãy lần theo đồng tiền khi thấy hồ nghi" rất hữu ích trong việc phát hiện nhảm nhí. Thông tin càng có lợi cho ai đó càng có xác suất nhảm nhí cao.
Gần đây, trao đổi với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, tôi phát hiện đa số họ cũng có một cái chuông rất nhạy. Có thể không rành công nghệ, nhưng khi tôi nói không hợp lý, họ phát hiện và “chất vấn” tôi ngay. Họ gọi đó là phương pháp luận.
Cái chuông nghi ngờ, bullshit detector hay phương pháp luận là những tên gọi khác nhau của tư duy độc lập, tức thói quen tự đánh giá, đặt câu hỏi, kiểm chứng thông tin trước khi đưa ra ý kiến.
Đứng trước dữ kiện mới, người suy nghĩ độc lập muốn dùng kiến thức, kinh nghiệm sống và tư duy logic của họ để đánh giá, đặt câu hỏi hơn là chấp nhận ngay góc nhìn của người khác, bất kể đó là ai.
Tôi thấy độc lập trong suy nghĩ với người đã khó, độc lập với chính mình càng khó gấp bội, cần một tinh thần cởi mở, chấp nhận sự thật và ý kiến mới, bất kể ngược lại với những gì ta đã biết trước đây. Nhà văn F. Scott Fitzgerald từng nói “Một trí tuệ hạng nhất phải có khả năng nắm giữ trong đầu hai ý kiến đối lập mà vẫn hoạt động bình thường”.
Tư duy độc lập không phải là mặc kệ hay bất cần người khác. Chỉ có người mất trí mới hoàn toàn độc lập với thế giới xung quanh. Độc lập cũng không có nghĩa phải có ý kiến trái chiều. Trong đa số trường hợp, sau khi đã suy nghĩ, đặt câu hỏi, tôi vẫn đồng tình với ý kiến sẵn có.
Tôi nhấn mạnh "đặt câu hỏi" vì tôi thấy chúng ta có thể đã tránh được nhiều tổn thất nếu dám và khuyến khích đặt câu hỏi. Vụ Việt Á là một ví dụ.
Tôi để ý Việt Á từ những ngày đầu có tin công ty này chế tạo thành công bộ xét nghiệm Covid-19. Tôi còn nhớ, cái chuông nghi ngờ của mình đã “reng” inh ỏi khi đọc tin Việt Á xuất khẩu bộ xét nghiệm sang 20 nước, chỉ vài ngày sau khi họ tuyên bố sản xuất thành công hồi tháng 3/2020.
Dù thông tin xuất khẩu được đưa đồng loạt trên mặt báo, mạng xã hội, người đọc không được cung cấp bằng chứng nào, như bán cho ai, đối tác thế nào, thông tin về hợp đồng, chứng từ đâu. Sao có thể nói chung chung “xuất qua Mỹ” được? Giờ có người sang Trung Quốc đặt sản xuất camera, gửi cho tôi vài cái thử dùng, rồi tuyên bố "Camera của chúng tôi đã xuất khẩu sang Silicon Valley" có chấp nhận được không?
“Những tuyên bố ngoại hạng đòi hỏi bằng chứng ngoại hạng”, nhà vũ trụ học Carl Sagan đã nói như vậy. Nhưng tôi không thể tìm thấy thông tin đã được kiểm chứng, đối chiếu hay ý kiến đánh giá độc lập của nhà chuyên môn và đủ uy tín. Cho đến nay, tôi vẫn không tìm được thông tin Việt Á có xuất khẩu bộ xét nghiệm hay không, ai mua và số lượng bao nhiêu.
Bây giờ chúng ta biết Việt Á đã nói sai sự thật. Bộ xét nghiệm của họ không đạt tiêu chuẩn WHO và cũng không được Anh công nhận, nhưng họ đã tuyên bố như vậy. Tại sao họ dám ngang nhiên gian lận? Có phải vì họ đoán được sẽ không bị ai phản biện? Để rồi ngay sau khi Việt Á bị khởi tố, người ta đã nhanh chóng phát hiện bao nhiêu sai phạm, dấy lên những câu hỏi về khả năng sản xuất và chất lượng bộ xét nghiệm.
“Có quyền không có nghĩa là có sự thật", từ thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, Socrates đã nói đến tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi và suy nghĩ độc lập trong quá trình học và tìm chân lý, đặt nền tảng cho tư duy phản biện trong văn hóa phương Tây.
Tôi đọc lại hàng chục bài báo và cả trên mạng xã hội ca ngợi Việt Á trước khi bị khởi tố. Đã 2.500 năm, nhưng dường như phương pháp giáo dục khai sáng của Socrates vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, có phải vì chúng ta ưa tự hào hơn tự vấn?
Những thông tin về vụ việc đến hôm nay cho thấy, không quá khó để phát hiện sai phạm của Việt Á và những cán bộ liên quan. Cái chuông của nhiều người vẫn ở đó, nhưng vì lý do nào đó nó đã bất động gần hai năm trời?
Hẳn nhiều người đã ngờ ngợ “có cái gì sai sai” trong những tuyên bố của Việt Á. Nếu những hoài nghi ban đầu được đưa ra thảo luận công khai từ sớm, công ty này đã không thể đi xa như vậy.
Nhiều người có thể hài lòng khi Việt Á bị khởi tố, nhưng tôi nghĩ nếu không nhìn sự việc bằng cả quá trình từ khi nó manh nha và đi đến tận cùng những câu hỏi còn bỏ ngỏ thì chúng ta chỉ đang giải quyết vấn đề từ ngọn.
Không có Việt Á này sẽ có Việt Á khác, điều xã hội cần là những tiếng chuông cảnh báo sớm. Muốn vậy, chúng ta cần một nền giáo dục khuyến khích đặt câu hỏi, một nền văn hóa tôn trọng và bảo vệ người đặt câu hỏi.
Tạo dựng một nền văn hóa, giáo dục như thế là chuyện trăm năm, nhưng mọi thứ có thể bắt đầu từ những người như bạn và tôi. Mỗi chúng ta đều là hạt nhân của biến chuyển, bởi lẽ văn hóa của một cộng đồng là gì nếu không phải hội tụ từ cách sống của các cá thể trong cộng đồng đó?
Cảm ơn NHP đã đọc và biên tập bài viết.
Bài này rất hay và ý nghĩa ạ. Cảm ơn chú nhiều. Việc tiếp nhận kiến thức một chiều có lẽ là câu chuyện dễ gặp và nhiều thế hệ của giáo dục Việt. Thiếu đi tính đa chiều và kiểm chứng, kiến thức không thể được đào sâu và đôi khi còn sai lệch. Tuy vậy mà việc có một đầu óc cởi mở và sẵn sàng thừa nhận sai, tiếp thu kiến thức mới vì mục đích cuối cùng là mở rộng tri thức, việc này cũng đòi hỏi sự dũng cảm. Bản thân con là người trẻ, nhiều năm mới tập được tính khiêm nhường, mở đầu để đủ kiên nhẫn và mạnh dạn nói câu "Đúng vậy/ Cái này đúng/ Tôi thừa nhận, nhưng..." thay vì chỉ "Nhưng..." như ban đầu. Thời đại của con kiến thức còn được truyền đạt dưới dạng video ngắn, reels, tik tok với những từ ngữ hấp dẫn, gây sốc, tò mò mà hoàn toàn thiếu tính kiểm chứng. Từ đó, khiến cho việc ngộ độc kiến thức sai trở thành căn bệnh ai cũng có thể mắc mỗi ngày. Việc này làm cho các bài viết chất lượng ngày càng đòi hỏi sự trau chuốt hơn, và đối với những người thật sự đi tìm kiến thức, cũng thấy giá trị hơn rất nhiều.
Em cũng cho rằng nếu ta có tư duy phản biệt tốt hơn, hắc chẳn đã có nhiều nghi vấn hơn về những phát ngôn của Việt Á. Cái này có thể nằm ngoài scope của bài viết, nhưng em nghĩ đáng buồn hơn là dù nếu nhiều người nhận ra Việt Á nói sai, chính phủ - dù nhận biết được những gì họ nói là sai - vẫn có quyền cho nó là đúng và cho qua. It is not only about the ability to question but the intention (or lack of that) to do so for good