Hồi cuối tháng 8/2022, nhân dịp đang ở Hà Nội, một người bạn mời tôi đến Hội đồng Lý luận TW nói chuyện về an ninh mạng.
Ban đầu tôi không muốn đi, vì thật sự tôi không biết chỗ này. Tôi chỉ có bấy nhiêu thời gian, gặp người này sẽ không gặp người khác.
Khi bạn tôi giải thích đây là cơ quan gì, tôi thấy khá tò mò. Tôi vốn thích cà rỡn, nhất là ở những nơi nghiêm trang. Một người "không hiểu gì về chính trị" như tôi lại đi "giảng" ở một nơi "tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị", nghĩ đến thôi đã thấy mắc cười, thế là quyết định đi.
Tôi nghĩ chỉ là một buổi họp nho nhỏ, vài người thôi, ai dè đến nơi mới thấy có khoảng 50 người. Tôi được xếp ngồi vị trí chủ tọa, một mình trên cao nhìn xuống các vị giáo sư, tiến sĩ, (cựu) quan chức cấp cao. Họ còn làm cả bảng tên cho tôi, chữ vàng trên nền đỏ.
Mới đầu tôi thấy ngại quá trời, nhưng khi ngồi xuống không biết vong bí thư ở đâu nhập về, tự tin hơn hẳn, nói không ngừng gần hai tiếng đồng hồ.
Tôi nói về tầm quan trọng của không gian mạng, nhắc lại đánh giá của ông Thomas Vallely rằng sự xuất hiện và tồn tại của một không gian Internet tương đối tự do là một Đổi Mới thứ hai; rằng đối với an ninh quốc gia, không gian mạng quan trọng không kém gì Biển Đông, nếu không muốn nói là hơn.
Tôi giải thích tại sao Việt Nam đang trở thành miếng mồi ngon của tội phạm quốc tế và những nhóm hacker do các chính phủ tài trợ.
Tôi đưa ra bằng chứng cho thấy các điểm yếu trong những hệ thống mạng máy tính trọng yếu đang tạo thành một rủi ro mang tính hệ thống cho cả nền kinh tế và an sinh xã hội.
Tôi bàn về một số giải pháp về mặt chính sách, chẳng hạn như tại sao Việt Nam phải sớm thông qua luật về breach notification, tức là công ty, tổ chức nào bị hack ảnh hưởng lớn đến người dân thì phải thông báo đại chúng.
Tôi thấy quan khách lắng nghe chăm chú, tập trung ghi chép và cũng đặt nhiều câu hỏi. Họp giữa trưa mà không ai ngủ gật, mô phật!
Tôi không chắc họ đồng ý với tôi, nhưng ít ra họ cũng tôn trọng, chứ không như vài nơi mời tôi đến xong họ chỉ chằm chằm nhìn điện thoại từ đầu tới cuối.
Cuối buổi có màn giao lưu, chụp hình, tặng quà. Một ông công an nói "được đấy, mai cậu đi ăn tối với tớ" (tôi từ chối vì đã có hẹn trước), còn một ông ngoại giao thì cười nói "rất hay, thích nhất là cậu nói chuyện rất ngoại giao" (không biết ổng có biết Tôi và Sứ quán?).
Họ tặng một chiếc bình. Không biết có muốn nhắc nhở gì về chuyện ném chuột không? Bạn tôi nói lẽ ra còn có phong bì, nhưng bạn tôi đã cản, vì "các anh không có đủ tiền trả cho nó đâu".
Chuyện ngoài lề: rốt cuộc sau đó một vài ngày, trong một hoàn cảnh khá buồn cười, tôi cũng nhận được một phong bì. Lẽ ra tôi không nên nhận, nhưng lại tò mò. Về nhà mở ra thấy mấy tờ tiền đô mới cứng.
Bạn tôi nói trời ơi anh đi gặp quan chức toàn phải cho phong bì, em ngon thật đó! Tôi cũng muốn giữ làm kỷ niệm, cũng không bao nhiêu tiền, nhưng rồi quyết định đem trả vì mắc công phải coi luật của công ty có cho phép hay không (mà chắc là không).
Quay lại chuyện HĐLLTW, tôi thấy những vị này cũng chịu tiếp nhận thông tin và ý kiến mới, dẫu có thể khác với những gì họ đã cho là đúng.
Tôi chưa đến Trung Quốc, nhưng tôi nghe nói ở đó người ta không cởi mở như vầy đâu. Nếu đúng vậy thì đây là một điểm khác biệt rất hay mà Việt Nam cần phải giữ.
Một mình cân cả hai cựu thù. Bà con có đồng ý là nhìn tôi cũng mát ngầu?
Bằng tên ghi Đồng chí nữa là ae biết rồi đó :))
haha đọc cái đoạn vong bí thư nhập không nhịn được cười bạn à