Tâm điểm của phiên tòa chuyến bay giải cứu là màn đấu tráo giữa hai chiến sĩ công an Việt Nam giỏi nhất thế giới:
Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an)
vs
Nguyễn Văn Tuấn (cựu phó giám đốc Công An Hà Nội kiêm giám đốc công ty TNHH một thành viên MoNoAnTiCo, tức Móc Nối Ăn Tiền Cò)
Tôi thấy hơi chạnh lòng một chút (một chút thôi, nhiều quá thành giả tạo hạt gạo) vì giữa hai con người đáng kính này lại có một người đang nói láo. Ông Tuấn nói đưa ông Hưng một chiếc cặp có 450.000 USD tiền chạy án, nhưng ông Hưng quả quyết trong đó chỉ có 4 chai rượu vang.
Viện Kiểm Soát (VKS) theo phe ông Tuấn. Cho đến lúc tôi viết bài này, bằng chứng mạnh mẽ nhất của VKS bao gồm:
đoạn video ghi cảnh ông Hưng nhận chiếc cặp kể trên, và
trong năm 2022, ông Hưng và ông Tuấn phát sinh 435 cuộc gọi, chủ yếu bằng SIM rác hay Viber, trong đó có 165 cuộc gọi phát sinh thời lượng.
Tóm lại VKS không có bằng chứng ông Hưng trực tiếp cầm tiền của ông Tuấn, chỉ có lời khai của ông Tuấn và một số dữ liệu cho thấy ông Hưng và ông Tuấn có liên lạc với nhau. Liệu như vậy có đủ để kết tội ông Hưng không? Tôi nghĩ chúng ta đều đã có câu trả lời. Ông Hưng có cãi hay cỡ nào rồi cũng sẽ gia nhập Juventus.
Nói cho rõ, tôi không nghĩ ông Hưng vô tội. Người như vầy không thể hồn nhiên làm bao việc rủi ro mà không nhận được gì. Tuy nhiên, tôi nghĩ gì không quan trọng, quan trọng là bằng chứng.
Bằng chứng VKS đưa ra là những dấu tích hết sức bình thường ông Hưng để lại trong đời sống hàng ngày. Ông ấy đi ra đường bị camera giao thông quay phim lại. Ông ấy gọi điện bị Viber và tổng đài lưu lại gọi ai, lúc nào, bao lâu. Đây thậm chí không phải là data, mà chỉ là metadata.
Thay vì tranh cãi liệu ông Hưng có tội hay không, câu hỏi quan trọng hơn cho tất cả chúng ta: liệu những dấu tích, những data và metadata bạn đã để lại có chống lại bạn hay không?
Những ai nghĩ rằng “chỉ có ai làm sai mới sợ chứ tôi không có gì phải giấu [khi họ thu thập, theo dõi thông tin, dữ liệu của tôi]” sẽ hiểu ra rằng điều đáng sợ nằm ở chỗ người ta quyết định cái gì sai cái gì đúng trước, rồi mới dùng dữ liệu thu thập được để chứng minh quyết định của họ.
Có thể bạn không có gì phải giấu, nhưng quyền quyết định bạn có giấu gì hay không nằm ở người khác. Mọi việc làm của chúng ta, dẫu hết sức bình thường, có thể bị diễn dịch hoàn toàn khác, một khi lọt vào tay người khác.
Vấn đề là chúng ta đang sống trong một thế giới không có chỗ cho riêng tư cá nhân. Mỗi người đang mang trên mình một thiết bị theo dõi tối tân chính là chiếc điện thoại đi động. Ngoài đường bây giờ cũng đầy rẫy camera.
Tóm lại, bạn đi đâu, làm gì, với ai, online hay offline, tất tần tật dữ liệu đều đã và đang được thu thập cực kỳ chi tiết, chỉ còn chờ một phán xét.
Tôi không có một giải pháp nào cả, ngoài một lời khuyên:
Không bao giờ viết nếu có thể nói.
Không bao giờ nói nếu có thể gật đầu.
Không bao giờ gật đầu nếu có thể nháy mắt.
— Martin Lomasney
Tôi thích các bài viết của anh vì góc nhìn logic, mới lạ và hành văn xúc tích. Tuy nhiên ở bài viết này thì thấy một số điểm chưa thật hợp lý nên xin phép có chút phản biện liên quan đến luật pháp và dữ liệu.
a - Người ta quyết định trước ... rồi mới mới dùng dữ liệu thu thập được để chứng minh quyết định của họ.
Việc này theo tôi hoàn toàn bình thường, khoa học hay pháp luật cũng vậy thôi, con người thường có thiên hướng dự cảm trước sau đó tìm cách chứng minh dự cảm của mình là đúng. Điều bất thường ở đây là sự bất đối xứng về thông tin, một bên thì có toàn quyền truy suất thông tin để buộc tội bên còn lại thì không có quyền truy suất thông tin để gỡ tội (nếu có)
b - Nếu luật pháp theo hướng toà án từ dữ liệu thu thập để đưa ra kết luận có tội (không có thiên kiến trước) thì lời khuyên "giảm thiểu, che dấu dữ liệu" của anh dường như có khuynh hướng làm tăng sự bất công xã hội.
Trong xã hội mà có sự bất bình đẳng về kiến thức và khả năng che dấu thông tin thì có những người có năng lực cao hơn trong che dấu và xóa dữ liệu có thể vẫn nhởn nhơ khi làm điều xấu, dẫn đến thói đạo đức giả, miệng bồ tát nhưng sẵn sàng làm điều xấu nếu biết không có dữ liệu ghi nhận.
Vậy quan điểm của tôi một xã hội văn minh là một xã hội mà mọi thông tin hoạt động của các cá nhân phải được ghi nhận. Giống như cuộc sống hàng ngày ta đi lại ăn ở hít thở đều tác động đến thiên nhiên và xã hội nên các hành động này cần được ghi nhận đầy đủ để xác định điều nào tốt nên khuyến khích và điều nào xấu cần hạn chế. (Có vẻ rủi ro cao về bảo mật nếu theo góc nhìn của chuyên gia bảo mật như anh. Tuy nhiên nếu đầu tư và quan tâm đúng mức thì rủi ro sẽ được hạn chế ở mức chấp nhận được)
Và điểm mấu chốt của xã hội văn mình là quyền truy suất thông tin hay phán định điều gì đúng điều gì sai phải được thảo luận và điều chỉnh liên tục dựa trên các hoàn cảnh cụ thể:
Luật pháp phải làm rõ hoàn cảnh ra đời của điều luật: Tại sao lại có luật này? Hoàn cảnh nào để áp dụng? Mục đích của luật này để làm gì ? và khi hoàn cảnh thay đổi có những tình huống mới, có những đặc điểm mới thì luật phải được sửa đổi cập nhật nhanh chóng.
Lấy ví dụ :
Thông thường camera đường phố không được ghi hình trong khuôn viên nhà riêng. Nhưng sẽ là tốt hơn nếu ngay cả khu vực nhà riêng cũng cần được ghi hình để khi cần thiết có dữ liệu chứng minh. Điều quan trọng là quyền truy suất và sử dụng dữ liệu này cần được làm rõ trong từng bối cảnh. Ví dụ trong bối cảnh thông thường:
a - Dữ liệu hình ảnh nhà riêng phải bảo mật không được truy suất bởi bất cứ ai chỉ có chủ nhà có quyền tối cao để sử dụng...
b - Trong trường hợp mất an ninh ví dụ như trộm cắp thì chủ nhà có thể truy suất và nếu chủ nhà có khiếu nại thì cảnh sát có thể được truy suất để tìm tìm tội phạm.
c - Điều đăc biệt quan trọng là khi bối cảnh mới, đặc biệt chưa được để cập trước đó... (ví dụ có khiếu nại bạo lực gia đình, án mạng ngược đãi trẻ em...) thì luật pháp cần được cập nhật và thay đổi -> dù chủ nhà có đồng ý hay không các cơ quan luật pháp được chỉ định vẫn có quyền truy suất.....
Vậy mấu chốt của xã họi có luật pháp công bằng cần phải :
1 - Dữ liệu cá nhận được ghi nhận tối đa mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng (dữ liệu được bảo mật)
2 - Quyền truy suất và phán định đúng sai được bàn bạc bạc dân chủ công khai ghi rõ bối cảnh áp dụng.
3 - Khi bối cảnh áp dụng luật thay đổi hoặc bối cảnh mới, điều luật đó cần phải xem xét và điều chỉnh và cập nhật.
...
Không bao giờ nháy mắt nếu thấy ko cần thiết kk