Bác Trần Hữu Dũng của Viet Studies đã qua đời. Tôi không quen bác Dũng, chỉ có vài kỷ niệm vặt, xin kể lại đây như một lời từ biệt.
—
Tôi hay đọc Viet Studies. Tôi biết trang này lâu lắm rồi, do anh Ngô Quang Hưng giới thiệu. Tôi nhớ tầm 2008, một người bạn gọi điện nói trang bị hack. Tôi vào xem thấy hacker cài mã khai thác một lỗ hổng cũ của Internet Explorer. Hacker trực tiếp nhắm vào giới trí thức Việt Nam ở hải ngoại, có lẽ là tiền thân của Ocean Lotus.
Bác Dũng bình luận khá hài, thu thập nhiều bài viết, thông tin giá trị. Bác ấy làm trang tin chắc để cho vui, khuây khỏa tuổi già, nhưng cũng phải rất tâm huyết, phải quan tâm Việt Nam lắm mới giữ được lâu như vậy. Bác Dũng đi rồi thật sự giờ không biết đọc tin ở đâu. Điều buồn cười là trang Viet-Studies lại bị chặn ở Việt Nam.
Đọc Viet Studies mặc dù thích nhưng tôi luôn thấy có chút gì đó chua xót. Đây những con người luôn đau đáu với quê hương đất nước, nhưng họ vẫn chỉ là “những người bay không có chân trời”, đôi khi vô tình đóng vai phản biện cho đúng quy trình lấy ý kiến của quần chúng nhân dân. Tôi không muốn đi vào con đường này, nhưng vẫn chưa biết còn đường nào khác?
—
Tôi thích cuốn Vietnamerica, một hồi ký bằng truyện tranh kể lại hành trình kéo dài ba thế hệ, vắt ngang mấy châu lục, đi suốt hai cuộc chiến tranh, hai nền Cộng Hòa, những năm đầu thống nhất, người vượt biển, kẻ ở lại, những năm tháng làm lại từ đầu trên đất Mỹ rồi những bồi hồi bỡ ngỡ khi quay lại cố hương của hai bên nội ngoại gia đình dòng họ Trần Hữu.
Câu chuyện nhà bác Dũng, nếu bỏ đi tên người, có thể sẽ không còn phân biệt được với những câu chuyện đã được kể đi kể lại trong nhiều gia đình Việt ở khắp nơi trên thế giới. Một câu chuyện buồn nhiều hơn vui, không chỉ của riêng ai.
—
Hồi trước tôi hay nghĩ khi chết mình sẽ để lại gì cho đời, rồi chọn làm những việc có tác động lâu dài. Nhưng rồi tôi nhận ra di sản cũng chỉ là áp lực xã hội từ những người đã chết (peer pressure from dead people). Chết là hết, sống ở hiện tại còn không lo, lo làm gì khi đã chết người ta nghĩ gì về mình.
Di sản của bác Dũng là những trăn trở, ít nhất là phần mà tôi nhìn thấy được. Rồi ai đây sẽ đi tiếp con đường này, khi vài năm nữa thôi những người bạn già hay gửi bài cho bác ấy rồi cũng sẽ chết hết? Nhưng bây giờ đây là vấn đề của người khác, phần của bác Dũng đã xong.
Xin cúi đầu cảm ơn và mong bác an nghỉ.
Cầu chúc GS an nghỉ. Nghĩ về những bài viết, tư liệu và trang web của GS, làm sao nó được lưu giữ để mọi người vẫn có thể tìm đọc?
Bác đi rồi không biết trang web sẽ ra sao